Nhiều người đang rất bức xúc khi thời hạn cuối cùng để hoàn thiện thông tin cá nhân đối với các thuê bao di động trả trước quá gấp gáp (ngày 24/4). Trong khi thông tin này mới chỉ được các nhà mạng và báo chí nhắc tới rầm rộ trong khoảng 1 tháng trở lại đây.
HÀNG TRIỆU THUÊ BAO CHƯA ĐẦY ĐỦ THÔNG TIN
Theo Tổng cục Thống kê, tính đến cuối tháng 3/2018, tổng số thuê bao di động trên cả nước ước tính đạt 118,7 triệu. Các thuê bao di động hiện nay chia làm 2 nhóm: Nhóm thuê bao đã có thông tin chính xác và nhóm thuê bao chưa có thông tin cá nhân chính xác.
Đối với nhóm thuê bao đã có thông tin cá nhân chính xác, người dùng không nhất thiết phải bổ sung thông tin. Việc bổ sung thông tin (bao gồm cả ảnh chân dung) chủ yếu nhắm cho các thuê bao chưa có đầy đủ thông tin (chưa có bản chụp chứng minh nhân dân hoặc bản chụp có dấu hiệu bị làm giả, thông tin trên chứng minh nhân dân không trùng khớp với bản khai...).
Hàng triệu thuê bao di động trả trước cần bổ sung thông tin ngay trong tháng 4.
Trên thực tế, Nghị định số 49/2017 của Chính phủ, đã cho các nhà mạng thời gian 1 năm để các nhà mạng hoàn thiện thông tin của người dùng thuê bao di động trả trước nhằm đảm bảo chính chủ và hạn chế sim rác.
Thế nhưng phải tới cuối tháng 3/2018, các nhà mạng mới vội vàng thúc giục các chủ thuê bao tới điểm giao dịch để bổ sung ảnh chân dung, thông tin cá nhân đáp ứng một Nghị định đã ban hành từ một năm trước đó.
Các nhân viên mướt mồ hôi hướng dân người dân bổ sung ảnh trước thông tin khoá mạng 1 chiều với thuê bao di động không đạt yêu cầu của Nghị định 49/2017.
Tính tới tháng 3/2018, Theo số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện chỉ có khoảng 4 triệu thuê bao tiến hành cập nhật thông tin và hiện vẫn còn khoảng 38 triệu thuê bao chưa đầy đủ thông tin, cần phải bổ sung.
Công việc đã có thể dễ dàng hơn nếu như các nhà mạng chủ động lên triển khai kế hoạch ngay từ năm 2017 chứ không phải chờ tới những ngày gần cuối hạn mới thông báo tới người dân. Và các nhà mạng có khả năng hoàn thiện thông tin cho hàng triệu thuê bao chỉ trong vài chục ngày ngắn ngủi hay người dùng sẽ bị khoá 1 chiều sau ngày 24/4?
BAO GIỜ KẾT THÚC?
Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã mở đường, cho phép các nhà mạng có thể sử dụng ảnh từ chứng minh nhân dân hay căn cước công dân (còn hạn) thay thế cho yêu cầu nộp ảnh chân dung khi bổ sung thông tin chủ thuê bao di động nhằm giúp giảm bớt thời gian bổ sung thông tin của người sử dụng.
Theo chia sẻ của cô Bùi Thị Thu Mai – đường Cầu Giấy, Hà Nội, quá trình hoàn thiện thông tin tại nhà mạng VinaPhone diễn ra nhanh chóng, nhưng cô phải đợi tới gần 1 giờ đồng hồ để tới lượt làm thủ tục.
Việc bổ sung thông tin đươc các nhà mạng rút ngắn, với thủ tục vô cùng nhanh gọn chỉ trong khoảng 5 phút làm việc là người dùng đã hoàn tất quá trình này. Ngoài ra, các nhà mạng cũng đã kéo dài thời gian hoạt động của các điểm giao dịch từ sáng sớm tới 21 – 22 giờ tối để phục vụ người sử dụng.
Tuy nhiên, trong thời gian này, các phòng giao dịch của các nhà mạng liên tục trong tình trạng trật kín người. Thời gian chờ đợi đến lượt nhiều khi lên tới 1-2 giờ đồng hồ, đây chính là điểm vô cùng bất cập khi khách hàng mất quá nhiều thời gian chỉ để chờ đợi làm thủ tục.
Các mạng cũng đã nắm được vấn đề này và đưa thêm hình thức đăng ký online, đồng thời tăng cường thêm nhân viên hỗ trợ khách hàng ngay tại điểm giao dịch. Tuy nhiên, mặt hạn chế của hình thức này là chỉ có thể bổ sung được hình ảnh cá nhân, chứng minh thư còn thiếu với những thuê bao trả trước chính chủ.
Với những thuê bao không chính chủ, được đăng ký dưới tên người khác thì bắt buộc phải làm thủ tục thay đổi tại quầy giao dịch. Tại Việt Nam tình trạng sim đăng ký tên người khác không hề hiếm, thậm chí chiếm phần đông do người dân có thói quen mua sim dùng luôn tại các cửa hàng bán lẻ.
Không tính tới thời gian nữa, hay quy trình hộ trợ bổ sung của nhà mạng mà vấn đề người dùng quan tâm đó là trước đây, người dùng cũng đã phải bổ sung thông tin chứng minh thư để phục vụ lý lẽ “giảm số lượng sim rác” nhưng không thấy được sự thay đổi nào. Và bây giờ, các nhà quản lý lại lấy cái lý này ra để người dùng phải hoàn thiện thông tin một lần nữa.
Một câu hỏi lớn được đặt ra, còn bao nhiêu lần nữa toàn dân phải bổ sung thông tin để xoá được nạn sim rác?